Tết cổ truyền là một nét độc đáo riêng trong văn hóa mỗi dân tộc. Với quốc gia đa dân tộc như Việt Nam thì Tết cổ truyền của mỗi dân tộc lại có nét đặc sắc riêng. Cùng tìm hiểu về Tết cổ truyền độc đáo của một số dân tộc vùng cao Việt Nam qua bài viết sau.
Tết cổ truyền của dân tộc Mường
Tết cổ truyền của người Mường có trình tự và phong tục gần với Tết cổ truyền của người Kinh. Hát sắc bùa là phong tục đặc sắc ngày Tết mà người Mường còn lưu giữ được đến ngày nay. Người Mường hát sắc bùa để chúc tụng cho một năm mới bình an và may mắn. Vào các ngày mùng Một và mùng Hai Tết, trẻ con Mường lại dắt nhau qua từng nhà hát sắc bùa, đánh cồng rộn ràng. Khi đi qua nhà nào thì nhà đấy sẽ mở cửa và cho bọn trẻ ít bánh quà hoặc tiền lẻ.
Hát sắc bùa là phong tục độc đáo trong Tết cổ truyền của người Mường
Ngày Tết, phụ nữ Mường thường mặc trang phục truyền thống. Với phụ nữ Mường ở Hòa Bình thì đó là váy đen với cạp váy được dệt hoa văn trang nhã cũng với áo trắng bên ngoài che một phần cạp váy và yếm dệt hoa bên trong. Họ thường quấn khăn màu trắng trên đầu. Còn với phụ nữ Mường ở Thanh Hóa thì trang phục đó là áo cánh với hai gam chính vàng nhạt và xanh nhạt, cạp váy quấn ra ngoài áo cùng với khăn chàm thẫm, thêu hoa.
Tết cổ truyền của dân tộc Tày
Tết cổ truyền của dân tộc Tày kéo dài từ 30 đến khoảng sáng mùng Ba. Đến mùng Bảy, người Tày ra đồng nhưng chỉ mang tính hình thức. Ngày 15, họ ăn Tết lại, giống nhau cái Tết nhỏ thứ hai.
Người Tày cũng thịt lợn và gói bánh chưng như người Kinh. Vào ngày Tết cổ truyền, người Tày thường buộc bốn cây mía vào bốn góc chân của bàn thờ với quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống. Ngày Tết cổ truyền, phụ nữ Tày thường làm bánh khảo, bỏng, chè lam,.. – những món ăn khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Tết cổ truyền của dân tộc Tày
Điểm khác biệt trong Tết cổ truyền của người Tày đó là vào sáng mùng Một kiêng người không mời mà vào nhà. Thường họ sẽ chọn mời người xông nhà, đó là những người có phúc lớn, người có đạo đức trong bản, kị những người có tang… Người Tày quan niệm với đàn ông người Tày thì mùng Một chơi cha (bố mẹ vợ) và mùng ba chơi thầy (thầy ở đây là thầy cúng).
Tết cổ truyền là dịp để người ta mặc những bộ quần áo đẹp nhất đi chơi. Màu sắc của áo người Tày khá trầm. Vào ngày Tết, phụ nữ Tày mặc áo dài màu chàm ngũ thân gồm một thân ngắn và bốn thân dài với ống tay hẹp và thắt lưng cũng màu chàm được bỏ mối phía sau lưng. Cùng với đó là khăn vuông chàm và hài hình mỏ gà thêu mũi cong hình.
“Trò chơi phổ biến nhất cho thanh niên ngày Tết đó là tung còn. Ra xuân, ở vùng quê của mình còn có hội lồng tồng, tức hội xuống đồng” – chia sẻ từ cô bạn người Tày Minh Thanh, sinh viên Cao đẳng Y Dược TPHCM
Tết Giọt Nước cổ truyền của dân tộc Xê Đăng
Khác với những dân tộc khác, dân tộc Xê Đăng ăn Tết rất giản dị. Tết Giọt Nước là một trong hai tết chính của người Xê Đăng.
Tết Giọt Nước được tổ chức vào khoảng tháng 3 dương lịch trong năm. Sau khi hết mùa, người ta bắt đầu sửa lại các máng nước, đồng thời tổ chức lễ “cúng máng”. Lễ hội này được tổ chức để cầu nguyện Thần nước (Giàng Dak) ban cho một năm mới đủ nước, được mùa.
Vào Tết Giọt Nước, người trong buôn làng Xê Đăng sẽ mang chóe, mang nồi đồng đến các máng nước để đựng nước mang về nhà. Trong dịp này người Xê Đăng sẽ tổ chức ăn uống và vui chơi, kéo dài suốt mấy ngày liền. “Lễ cúng máng nước” của buôn làng sẽ được tổ chức đặc biệt tại nhà Rông và do thầy cúng tổ chức. Đó cũng là dịp dân làng vui say, tổ chức nhảy múa, ca hát, trao duyên giữa nam nữ.