Từ xưa đến nay, Tết cổ truyền đã đi vào đời sống của người Việt Nam như một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo. Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng đến nay, Tết cổ truyền vẫn giữ được những đặc trưng riêng với nhiều phong tục độc đáo.
Chợ Tết
Chợ Tết cũng là nét văn hóa thể hiện đặc trưng của tết cổ truyền tại Việt Nam. Không giống những viên chợ thường ngày, chợ tết bao giờ cũng đông vui và có không khí hơn. Người ta đi chơi Tết chẳng những để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức và rộng ràng khi tết đến xuân về.
Chợ thường được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể được mở rộng ngay từ những nơi họp chợ thường ngày, nhưng trong chợ tết, gần như tất cả những món “của ngon vật lạ” đều được bày bán. Người xưa đi chợ Tết chủ yếu là để mua lá dong, mua thịt, mua hành gói bánh chưng. Người Việt còn có thú chơi hoa và bày mâm ngũ quả ngày Tết.
Tiễn ông Công ông Táo về trời
Theo quan niệm của văn hóa dân gian, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Vì thế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, những gia đình Việt sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công , ông Táo. Cũng theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo cưỡi cá vàng lên trầu trời nên trong lễ cũng phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp.
Hoa Tết
Chơi hoa là một trong những thú chơi độc đáo của người Việt. Tùy từng vùng miền mà những loại hoa được chọn lựa cũng khác nhau.Miền Trung và miền Nam thường chọn cây mai vàng, tượng trưng cho vinh hiển cao. Bên cạnh đó, theo phong thủy, màu vàng thuộc hành Thổ- nằm ở vị trí trung tâm, màu vàng cũng tượng trưng cho sự phát triển của nòi giống. Miền Bắc thường chuộng chơi hoa đào. Những cành đào khoe sắc tượng trưng cho sức sống, sự tươi mới.
Ngoài hai loại hoa trên thì gia đình nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, ..hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thuỷ tiên, hoa thược dược, hoa violet,… Người ta cũng thường sử dụng cây quất để trang trí trong phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.
Cây Nêu ngày tết
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 – 6 mét. Ở ngọn thường treo những đồ vật như vàng mã, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy , đôi khi người ta còn treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…
Theo quan niệm của người xưa ,những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, bởi theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là màu may mắn, như lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Những tin tức trên được bạn Thu Hồng- sinh viên trường Cao đẳng Dược tổng hợp. Bài viết hi vọng đã đem đến thông tin hữu ích, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc trưng của ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam.